No-Mind

October 3, 2010

Thanh tra Javert và bi kịch “những pho tượng đất”

Filed under: Vài suy ngẫm — HTQ @ 7:43 am

“Most people would rather die than think; in fact, they do so.”––Bertrand Russell

“Đa số con người thà chịu chết hơn là phải chịu suy nghĩ. Thực tế cho thấy nhiều người làm đúng như vậy.”

Khi thanh tra Javert, trong tác phẩm Những người khốn khổ của nhà văn Victor Hugo, quyết định nhảy xuống sông Sein tự vẫn, hắn đã chứng minh nhận xét của Russel là đúng. Hắn thà chết còn hơn là phải suy nghĩ. Hắn quyết định tìm lấy cái chết để chấm dứt tình trạng đau khổ tột cùng của mình. Hắn đau khổ vì chuyện gì? Vì hắn không thể chịu nỗi những suy nghĩ xáo trộn, xung đột lẫn nhau đang dày vò tâm trí hắn. Vì hắn đã bị kéo ra khỏi thế giới đơn giản, hai màu trắng-đen rõ rệt quen thuộc của mình và bị đẩy vào một thế giới phức tạp, đa màu sắc, trong đó tất cả những gì trước đó là chân lý, là chỗ dựa cho suy nghĩ, hành động và ý nghĩa của cuộc đời của hắn, đều sụp đổ. Hắn đau khổ vì hoàn toàn bị mất phương hướng, đầu óc hắn như muốn nổ tung vì không thể chịu nổi áp lực của những suy nghĩ không tài nào hiểu nỗi đang quay cuồng trong đầu.

Sự mất phương hướng này xuất phát từ việc hắn không thể tiếp tục suy nghĩ đơn giản, không thể tiếp tục mù quáng làm theo những gì người ta yêu cầu hắn làm. Lần đầu tiên trong cuộc đời hắn buộc phải suy nghĩ và theo như Hugo mô tả (mà tôi tạm dịch từ bản tiếng Anh trên mạng) thì “suy nghĩ là cái gì đó hắn không quen làm, là một công việc vô cùng khổ sở cho hắn”. Vậy là từ trước đến giờ hắn không cần suy nghĩ vì đã có người suy nghĩ dùm hắn. Tất cả những chỉ dẫn cần thiết cho công việc của hắn đều được cung cấp đầy đủ trong bộ luật nước Pháp, và đó chính là kim chỉ nam, là sách thánh kinh của hắn. “Javert là nô lệ của luật pháp”, nhà văn Hugo viết.

Cho tới giây phút khi Javert quyết định thả tự do cho Jean Valjean, Javert vẫn “sống với một niềm tin mù quáng” vào luật pháp. Nhưng từ khi phải đối diện với một thực tại kinh hãi rằng Jean Valjean thật sự là người tốt, rằng tất cả những gì ông ta đã làm không phải là lừa đảo và dối trá thì những giá trị tuyệt đối trong cuốn sách “thánh kinh” của Javert bổng trở nên vô dụng, tất cả những sự thật mà Javert hằng tin tưởng vào một cách tuyệt đối bỗng vỡ tan như những chiếc bong bóng bọt xà phòng. “Những sự thật mà hắn không muốn thừa nhận đang bao vây lấy hắn, không khoan nhượng. Từ đây trở đi, hắn phải là một người khác hẳn. Hắn đang phải chịu những cơn đau kỳ lạ của một lương tâm bất thình lình được giải phẫu để gỡ bỏ lớp màn đục che khuất”.

Đối với Javert, với trách nhiệm duy trì trật tự, công lý xã hội, công việc của hắn cũng giống như công việc của một giáo sĩ đứng canh giữ trước ngôi đền thờ thiêng liêng cho những vị thần bên trong. Khi lương tâm hắn lấy lại được ánh sáng, hắn nhận ra những vị thần bên trong chỉ là những pho tượng bằng đất. “Hắn cảm thấy trống rỗng, vô dụng, bị cắt đứt liên lạc với cuộc sống trong quá khứ, bị xua đuổi, bị giải thể … không còn lý do nào để tồn tại”. Nói cách khác, hắn không thể tìm được đường thoát ra khỏi mớ suy nghĩ rối như bông đang bủa vây lấy hắn, đành tìm đến dòng nước lạnh giá của con sông Sein.

Bi kịch của Javert là bi kịch của một người không được làm quen với lối tư duy đa chiều. Đó là bi kịch của những người tốt, chính trực, nhưng chưa bao giờ được hưởng một nền giáo dục khai sáng, chưa bao giờ được chuẩn bị để đón nhận sự phức tạp và đa dạng của cuộc sống. Đối với họ, thế giới được chia làm hai phạm trù đơn giản, tốt hoặc xấu, trắng hoặc đen. Hoặc Jean Valjean là người xấu và cần phải đưa vào tù, hoặc chính Javert là người xấu, kẻ phạm tội không tuân theo luật pháp. Không thể phá vỡ sự cứng nhắc đã ăn sâu trong suy nghĩ, Javert chọn cái chết để chấm dứt gánh nặng đau đớn của tư duy.

Thật ra, bi kịch của Javert không chỉ có một mà có nhiều bi kịch cùng tồn tại trong hắn. Thứ nhất, hắn đặt tất cả niềm tin của mình vào sự đúng đắn của luật pháp, một cách mù quáng coi đó là lẽ sống của hắn. Hắn không có được cái may mắn là sinh ra vào một thời đại khác, khi con người không còn tin vào tôn giáo và bất cứ những gì gọi là tuyệt đối. Thứ nhì, lương tâm hắn bổng thức tỉnh sau một cơn mê ngủ dài dằng dặc, nếu như nó vẫn cứ tiếp tục ngủ thì cuộc sống của Javert đã vẫn cứ tiếp tục tiếp diễn một cách bình thường. Hắn vẫn có thể hàng tháng lãnh lương đều đặn, ăn vẫn thấy ngon, ngủ vẫn yên giấc và tiếp tục chăm chỉ theo đuổi và bắt giam tội phạm–những con người khốn khổ như Jean Valjean–tống chúng vào ngục tối. Nhưng không may cho Javert, hắn “bất thình lình nhận ra rằng bên dưới lồng ngực sắt thép là cái gì đó lố bịch và bất kham gần giống như là một con tim biết đập!”.

Bi kịch thứ ba của Javert là trong cuộc sống của mình hắn không dành chỗ cho cuộc sống cá nhân; hắn không có những thú vui, đam mê trần tục nào khác ngoài công việc. “Lý tưởng của Javert,” Hugo viết, “là hắn không muốn là con người, không muốn trở thành vĩ đại, trở thành siêu việt;” lý tưởng của hắn là làm một viên chức mẫn cán, để “không ai có thể chê trách”. (“Javert’s ideal, was not to be human, to be grand, to be sublime; it was to be irreproachable.) Nếu như hắn có những tham vọng về tiền bạc, địa vị, danh vọng, dục vọng… thì có lẽ hắn đã không có một kết cuộc bi đát. Hắn đã có thể nhấn chìm ánh sánh nhận thức mới xuất hiện trong tâm trí bằng cách tìm đến rượu bia, đến vòng tay ôm ấp của các cô gái thành phố Paris, âm thanh xoa dịu kêu vang rổn rảng của vàng bạc, sự tiện nghi, xa hoa của nhà cao cửa rộng, niềm vui thích được người khác xum xoe, bợ đỡ, niềm thích thú được sử dụng uy quyền sai khiến, hành hạ kẻ khác… Nhưng khổ nỗi hắn lại là con người “chính trực”, hay nói cho chính xác hơn hắn là nạn nhân của khái niệm lý tưởng sống chính trực.

Các Javert đương đại vẫn tồn tại trong tất cả các xã hội trên khắp thế giới, ở cả những quốc gia đã phát triển lẫn đang phát triển. Bi kịch của Javert vẫn tiếp diễn ở mọi nơi, trong mọi lĩnh vực mặc dù không phải ai cũng chọn cách giải quyết như nhân vật Javert trong tác phẩm của nhà văn Pháp. Ở những nước nghèo, mục tiêu được xã hội đề cao là “xóa đói, giảm nghèo”. Ở những xã hội tiến bộ, văn minh, mục tiêu của họ trở thành “xóa Jean Valjean, giảm Javert”. Xã hội càng văn minh thì sự tồn tại của các công dân Javert trong xã hội ấy càng ít.

Mục tiêu cao nhất của một nền giáo dục, hay mở rộng ra hơn là của một xã hội văn minh hay một nền văn minh nhân loại, là giới hạn số lượng các Javert ở mức càng thấp chừng nào càng tốt chừng ấy.



1 Comment »

  1. Thưa thày, em thích câu kết luận cuối cùng trong bài này của thày ạ!

    Comment by medela11 — October 13, 2010 @ 1:03 pm | Reply


RSS feed for comments on this post.

Leave a comment

Create a free website or blog at WordPress.com.